Sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược xuyên bàng quang hiếm gặp sinh mổ lần 03 “mẹ tròn con vuông”

08/08/2023  

Từng trải qua 02 lần sinh mổ và 01 lần phẫu thuật chửa vết mổ, hành trình mang thai lần thứ 03 của chị Lê Thị Thanh Loan (35 tuổi, trú tại xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) cũng thật vất vả khi bị rau tiền đạo trung tâm cài răng lược xuyên bàng quang hiếm gặp gây băng huyết đe doạ tính mạng ở tuần 34 thai kỳ. Thật may mắn khi Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang Lê Công Tước cùng kíp phẫu thuật đã mổ cấp cứu thành công giúp sản phụ Loan thoát khỏi nguy kịch và đón bé trai 1,8kg chào đời an toàn trong niềm hạnh phúc của gia đình. 

IMG_3992Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện bắt mạch thăm khám cho sản phụ Loan khi điều trị tại Khoa Sản II

Chị Thanh Loan cho biết: “Để em bé phát triển khoẻ mạnh thật không dễ dàng. 03 tháng đầu thai kỳ, tôi từng bị ra máu phải điều trị giữ thai, bác sỹ cũng dặn tôi cần phải nghỉ ngơi và giữ tinh thần thật tốt để không ảnh hưởng tới em bé trong bụng. Nhưng sang tới tuần thứ 27 thai kỳ, tôi thấy rất khó chịu, bụng gò căng cứng và bị ra máu nên phải nhập viện Sản Nhi Bắc Giang để được điều trị giữ thai chờ ngày con chào đời”.

Tại Khoa Sản II, sau khi thăm khám lâm sàng và siêu âm Doppler, các bác sỹ phát hiện thai phụ Loan bị rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, nghi ngờ rau cài răng lược nguy hiểm và được theo dõi sát tình trạng của mẹ và thai nhi. Sang tới tuần thứ 34 thai kỳ, thai phụ Loan bị ra huyết từng đợt, máu đỏ tươi lẫn máu đông chảy ra theo đường âm đạo, thai phụ được dùng thuốc cầm máu nhưng không hiệu quả. Nhận thấy đây là một trường hợp cực kỳ phức tạp bởi thai phụ Loan từng có tiền sử phẫu thuật lấthai 02 lần, phẫu thuật chửa vết mổ 01 lần, lần này lại bị rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn và cài răng lược trong khi đang bị ra huyết nhiều, nếu phẫu thuật viên không dày dạn kinh nghiệm trong việc phẫu thuật xử trí những trường hợp như thế này thì nguy cơ thai phụ sẽ tử vong do không kịp cầm máu nên các bác sỹ trong kíp trực đã mời Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện hội chẩn trực tiếp phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho 02 mẹ con sản phụ.

IMG_3993Giám đốc Lê Công Tước cùng kíp phẫu thuật cứu mẹ con sản phụ Loan

Khi tiến hành phẫu thuật, kíp phẫu thuật của Giám đốc Bệnh viện Lê Công Tước, Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Nhiên và Bác sỹ CKI Nguyễn Ngọc Tân gỡ dính mạc nối ra khỏi tử cung, gỡ dính tử cung ra khỏi thành bụng, gỡ dính phúc mạc đoạn dưới và bàng quang ra khỏi đoạn dưới tử cung để kiểm tra mức độ rau cài răng lược và nhận thấy rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, rau cài răng lược đã đâm xiên hết lớp cơ tử cung đến lớp thanh mạc, có một phần gai rau đâm xuyên qua lớp thanh mạc vào thành bàng quang vô cùng nguy hiểm đối với thai phụ và thai nhiBác sỹ Lê Công Tước liền quyết định mổ dọc thân tử cung để lấy thai nhi và đón bé trai nặng 1,8kg chào đời an toàn. Tiếp đó, tiến hành kẹp cắt dây chằng tròn, dây chằng tử cung buồng trứng, động mạch tử cung 02 bên và bóc tách dây chằng bàng quang để cắt tử cung bán phần thấp lấy hết diện rau bám giữ lại cổ tử cung cho sản phụ Loan. Việc khó khăn nhất của trường hợp này là phải làm sao để gỡ dính, tách rời bàng quang khỏi mặt trước tử cung, bộc lộ được toàn bộ đoạn dưới tử cung để sẵn sàng cắt tử cung bán phần mà không gây chảy máu sau khi lấy thai, không gây tổn thương các cơ quan lân cận bởi sản phụ đã bị băng huyết trước khi mổ; hơn nữa rau cài răng lược đã đâm xiên bàng quang nếu trong quá trình gỡ dính mà không có kỹ thuật tốt, phẫu thuật viên thực hiện không chính xác thì sẽ gây chảy máu ồ ạt, sản phụ có thể truỵ mạch và nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.

IMG_3994
Hình ảnh gai rau ăn xuyên lớp cơ tử cung qua lớp thanh mạc ra ngoài

Sau hơn 02 giờ căng thẳngkíp phẫu thuật đã giúp sản phụ thoát khỏi cơn nguy kịch. Bé trai nặng 1,8kg do sinh non thiếu tháng nên ngay sau khi chào đời đã được đưa về Khoa Sơ sinh của Bệnh viện để các bác sỹ theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Điều trị hậu phẫu tại Khoa Sản II, sức khoẻ của sản phụ Loan cũng phục hồi tốt. 10 ngày sau sản phụ Loan có thể trực tiếp chăm sóc con trai tại Khoa Sơ sinh. “Tôi không nghĩ là lần mang thai thứ 03 này tôi lại bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược xuyên bàng quang nguy hiểm như vậy. Con trai tôi tuy chào đời thiếu tháng nhưng trộm vía bé cứng cáp. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ Khoa Sơ sinh mà con khoẻ mạnh lên từng ngày, hiện tại con nặng 1,9kg và ăn sữa tốt. Cả gia đình tôi vui mừng khôn xiết. Tôi xin cảm ơn Bác sỹ Tước cùng kíp phẫu thuật đã giúp tôi “mẹ tròn con vuông” và cũng xin gửi lời cảm ơn các y bác sỹ Khoa Sản II, các y bác sỹ Khoa Sơ sinh đã quan tâm, chăm sóc tận tình cho mẹ con tôi. Thay mặt gia đình, tôi xin chúc tập thể y bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang luôn dồi dào sức khoẻ và chúc Bệnh viện ngày càng phát triển hơn nữa” - Sản phụ Loan xúc động chia sẻ.

IMG_3991
Con trai sản phụ Loan được các y bác sỹ Khoa Sơ sinh chăm sóc tận tình sau khi bé chào đời

IMG_3990
Chị Loan hạnh phúc khi được trực tiếp chăm sóc con tại Khoa Sơ sinh

Rau tiền đạo, rau cài răng lược là hình thái lâm sàng nghiêm trọng nhất của rau tiền đạo vì mạch máu tăng sinh nhiều ở đoạn dưới tử cung, mạch máu đâm xuyên vào bàng quang khiến bàng quang bị tổn thương, thường gặp ở những sản phụ từng có vết mổ đẻ cũ nên phẫu thuật khó khăn và gây mất máu nhiều. Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, các bác sỹ đã phẫu thuật thành công rất nhiều trường hợp bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược; tuy nhiên rau cài răng lược xuyên bàng quang là trường hợp hiếm gặp. Với những trường hợp bị rau tiền đạo, rau cài răng lược tại vùng thân và đáy tử cung thì các bác sỹ vẫn cố gắng bảo tồn tử cung cho sản phụ giúp sản phụ không bị ảnh hưởng về mặt tâm, sinh lý. Nhiều trường hợp được bảo tồn tử cung đã có thai và sinh mổ an toàn tại Bệnh viện. Trường hợp sản phụ Loan do rau tiền đạo, rau cài răng lược bám vào vị trí vết mổ đẻ cũ, đâm xuyên bàng quang nên phải cắt tử cung bán phần của sản phụ. Và để cắt được tử cung trong những trường hợp này cũng đòi hỏi bác sỹ phải có nhận định giải phẫu tốt cùng kinh nghiệm chuyên môn hết sức vững vàng và quan trọng là phải kiểm soát việc chảy máu trước phẫu tích bàng quang vì khi chảy máu rất khó bóc tách đúng lớp, dễ làm tổn thương bàng quang và hệ tiết niệu

Qua đây, Giám đốc Bệnh viện Lê Công Tước cũng khuyến cáo rằng: Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi thấy chậm kinh từ 07 - 10 ngày cần đi siêu âm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai. Nếu thai làm tổ ở vùng thân và đáy tử cung thì để phát triển bình thường, còn nếu thai làm tổ ở vị trí bất thường như vùng gần eo tử cung hoặc tại vết mổ đẻ cũ thì nên đình chỉ thai sớm, tránh sau này phát triển trở thành chửa vết mổ hoặc rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược. Để phát hiện sớm rau cài răng lược và hạn chế biến chứng rau cài răng lược trong khi sinh hoặc sau sinh thì phụ nữ mang thai cần phải được quản lý thai nghén, siêu âm bởi các bác sỹ sản khoa có trình độ chuyên môn vững vàng tại các cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại. Nếu được chẩn đoán xác định rau cài răng lược thì nên sinh em bé tại các bệnh viện tuyến Tỉnh hoặc tuyến Trung ương thay vì cơ sở y tế tuyến Xã/Huyện để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra đe doạ sự an toàn của Mẹ và thai nhi.  

Hiền Chúc 
 

Lượt xem : 1471


  • quixote
  • quixote


Copyright ©2023 Xtech.com.vn