Phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ

28/09/2024  

Trong và sau mưa lũ, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải độc hại… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh như tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

IMG_0348

* Để phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, người dân cần thực hiện:
- Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý rác, chất thải và xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước, sử dụng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín, uống chín.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn.
- Diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước.
- Thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô cũ… hoặc các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng.
- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
- Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Một số bệnh thường gặp sau mưa lũ và cách phòng, chống

1. Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa:
a. Các bệnh thường gặp: Tiêu chảy do vi khuẩn E.Coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm.
b. Phòng bệnh:
- Đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc “Ăn chín, uống chín”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết.
- Uống hoặc tiêm vắc-xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc-xin.

2. Phòng chống bệnh đường hô hấp:
a. Các bệnh thường gặp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp…
b. Phòng bệnh:
- Giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già
- Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng
- Chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong.

3. Phòng chống bệnh về mắt
a. Các bệnh thường gặp: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ.
b. Phòng bệnh:
- Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.
- Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.
- Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
- Không dùng chung khăn mặt và chậu với người bị đau mắt đỏ.
- Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
- Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

4. Phòng chống bệnh ngoài da:
a. Các bệnh thường gặp: Nấm chân/tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt.
b. Phòng bệnh:
- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.
- Không mặc áo quần ẩm ướt.
- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, không chỉ gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hoá do nuốt phải nước bẩn.
- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

5. Phòng chống bệnh do muỗi truyền:
a. Bệnh thường gặp: Sốt xuất huyết 
b. Phòng bệnh:
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.
- Diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.
- Phun hoá chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. 

 

 

 

Lượt xem : 165


  • quixote
  • quixote


Copyright ©2023 Xtech.com.vn