Phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch rất lớn cho bé trai 3,8kg tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

26/08/2024  

Chào đời với cân nặng 2,8kg và chỉ tăng được 01kg trong 03 tháng đầu đời bởi vừa sinh ra trái tim bé bỏng của bé Bình An (trú tại xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đã có khiếm khuyết “thông liên nhĩ và còn ống động mạch” kích thước lớn. Nhìn da con xanh xao, hô hấp khó khăn và thể trạng gầy yếu do bị bệnh tim bẩm sinh mà lòng người mẹ không khỏi xót xa. Nhưng may mắn thay, trái tim khiếm khuyết của bé Bình An một lần nữa lại đập lên từng nhịp khỏe mạnh sau cuộc phẫu thuật “ chữa lành” dị tật tim bẩm sinh thông liên nhĩ và còn ống động mạch được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thực hiện thành công khi bé Bình An vừa tròn 89 ngày tuổi. Cho tới thời điểm hiện tại, bé Bình An với cân nặng 3,8kg là bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh nhẹ cân nhất được các bác sỹ Bệnh viện phẫu thuật thành công.   

IMG_8285Các bác sỹ phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch cho bệnh nhi nhẹ cân 3,8kg khi bé tròn 89 ngày tuổi    

Thông liên nhĩ là một trong những dị tật tim bẩm sinh phổ biến với tỷ lệ 1,6/1.000 trẻ sinh sống và chiếm 08 - 10% tổng số dị tật tim bẩm sinh, xảy ra khi có một lỗ thông trên vách ngăn giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. Thông liên nhĩ thường chia làm 04 loại: Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (lỗ nguyên phát), thông liên nhĩ lỗ thứ 02 (lỗ thứ phát), thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch và thông liên nhĩ thể xoang vành.   

Chị Nguyễn Thị Hường - Mẹ cháu Bình An cho biết: “Gia đình tôi biết con bị bệnh tim bẩm sinh khi bé được 17 ngày tuổi. Hồi đó con bị viêm phổi phải nhập viện Sản Nhi Bắc Giang điều trị, qua thăm khám bác sỹ phát hiện con bị dị tật thông liên nhĩ và còn ống động mạch nhưng khi ấy con còn nhỏ quá nên chưa thể can thiệp. Vì bị bệnh tim bẩm sinh nên thể trạng con yếu lắm, da xanh xao, hay bị viêm phổi tái đi tái lại, cứ khoảng 20 ngày là lại phải nhập viện điều trị 01 đợt. Đến thời điểm này bé được 89 ngày tuổi với cân nặng 3,8kg là có chỉ định của các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cần phẫu thuật tim để tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ của con”.    

“Cháu Bình An bị 02 dị tật tim bẩm sinh kết hợp đó là thông liên nhĩ và còn ống động mạch. Bệnh này tiến triển nặng sẽ gây biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là tăng áp động mạch phổi. Qua kết quả siêu âm tim và điện tim nhận thấy cháu Bình An có tổn thương thông liên nhĩ lỗ thứ phát đường kính 09x15mm shunt trái - phải, còn ống động mạch kích thước lớn (đường kính phía phổi 03mm, đường kính phía chủ 5,9mm, dài ống 7.0mm shunt trái - phải), thất phải giãn, động mạch phổi giãn. Chụp X-quang thấy bóng tim to, rốn phổi đậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cháu Bình An bị viêm phổi tái diễn và chậm phát triển. Trường hợp này cần phải được phẫu thuật sớm vì nếu để kéo dài thì sẽ nguy hiểm tới tính mạng. So với những trường hợp dị tật tim bẩm sinh thông liên thất và thông liên nhĩ mà Bệnh viện đã từng phẫu thuật trước đây thì trường hợp này khi phẫu thuật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi bệnh nhi thể trạng rất gầy yếu, nhẹ cân (3,8kg) lại bị thông liên nhĩ và còn ống động mạch ở mức độ rất nặng. Vì vậy, trong quá trình phẫu thuật đội ngũ bác sỹ cũng phải hết sức thận trọng, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng thao tác tránh tổn thương cơ tim của trẻ” - Bác sỹ CKI Nguyễn Minh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện - Bác sỹ trực tiếp phẫu thuật tim cho cháu Bình An thông tin thêm.     

Sau khi hội chẩn Liên chuyên khoa dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện, đội ngũ y bác sỹ của Khoa Ngoại, Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức và Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc quyết định tiến hành phẫu thuật cho cháu Bình An theo phương pháp phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch, phương pháp gây mê nội khí quản cho trẻ.   

Bước vào ca phẫu thuật, hệ thống máy tuần hoàn chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể được thiết lập, các bác sỹ rạch da đường thẳng dọc giữa xương ức, mở màng tim bộc lộ tim bệnh nhi. Quan sát thấy còn tồn tại ống động mạch lớn kích thước 03x05x05mm, các bác sỹ thắt ống động mạch bằng chỉ Ethibond 3-0. Sau khi thắt kiểm tra huyết động ổn định. Tiếp đó các bác sỹ chạy máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể, mở dọc nhĩ phải, thấy tổn thương trong tim là lỗ thông liên nhĩ thứ phát kích thước 09x15mm, xung quanh có gờ, vách, các bác sỹ tiến hành vá lỗ thông liên nhĩ bằng miếng vá màng ngoài tim tự thân, kiểm tra lỗ thông liên nhĩ và van 03 lá đều được đóng kín, tim đập trở lại nhịp xoang (tần số 110 chu kỳ/phút), kíp phẫu thuật khâu đóng vết mổ thành ngực theo các lớp giải phẫu.    

IMG_8289
Máy chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể được dùng trong ca phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên nhĩ         

IMG_8284


IMG_8288

IMG_8291
Các bác sỹ hết sức thận trọng, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng thao tác tránh tổn thương cơ tim của trẻ    

Trải qua hơn 02 giờ căng thẳng trong Phòng mổ, ca phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch cho bé Bình An do kíp phẫu thuật gồm: Bác sỹ CKI Nguyễn Minh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện, Bác sỹ CKI Phạm Đăng Bình - Phó Trưởng Khoa Ngoại và Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Lâm phẫu thuật, Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi phụ trách gây mê cùng các điều dưỡng và kỹ thuật viên khác thực hiện đã thành công tốt đẹp; mạch, huyết áp và nhịp tim bệnh nhi ổn định. Sau phẫu thuật, cháu Bình An được theo dõi đặc biệt tại Phòng Hồi sức tích cực - Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện. 05 ngày sau cuộc phẫu thuật, cháu Bình An được chuyển về Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện của Bệnh viện để người thân có thể trực tiếp chăm sóc cháu trước khi xuất viện.      

IMG_8290
Bé Bình An được điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực sau ca phẫu thuật    

IMG_8286
Bác sỹ thăm khám cho bé Bình An khi bé được chuyển về Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện để người thân trực tiếp chăm sóc bé    

“Với trẻ nhẹ cân, thể trạng gầy yếu như bé Bình An (03 tháng nhưng chỉ nặng 3,8kg) thì khi thực hiện thủ thuật đặt hệ thống nội khí quản, đặt Catheter huyết áp động mạch xâm lấn hay Catheter tĩnh mạch trung tâm trước khi tiến hành phẫu thuật sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình phẫu thuật cũng phải theo dõi sát vấn đề thông khí, thăng bằng toan - kiềm, khí máu để sau khi mổ xong thì tim bệnh nhi đập lại nhịp xoang bình thường. Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật tim, bệnh nhi cũng được dùng thêm một số thuốc vận mạch có tác dụng gây co mạch, tăng sức co bóp cơ tim, dùng thuốc an thần, hồi sức, thở máy và chuyển sang hồi sức” - Bác sỹ CKI Phạm Văn Khôi - Bác sỹ phụ trách gây mê hồi sức cho bé Bình An chia sẻ.   

IMG_8287
Chị Nguyễn Thị Hường rất vui mừng khi thấy sức khoẻ của con tốt hơn sau cuộc phẫu thuật “chữa lành” trái tim khiếm khuyết    

Hiện nay, ngành phẫu thuật tim đã có những phát triển vượt bậc về chẩn đoán và điều trị, có thể điều trị nhiều bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp và đạt kết quả tốt. Trẻ có thể được phẫu thuật ngay từ khi còn rất nhỏ ở giai đoạn sơ sinh để phát triển khoẻ mạnh như những bạn đồng trang lứa khác. Bắt nhịp xu hướng của nền y học trên Thế giới cũng như tại Việt Nam, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã triển khai thành công kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn qua đường nách thay vì mổ giữa xương ức bởi những điểm vượt trội mà phương pháp này mang lại trong phẫu thuật bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên với trường hợp của bé Bình An không chỉ nhẹ cân mà còn bị 02 bệnh lý tim bẩm sinh (thông liên nhĩ và còn ống động mạch) mức độ nặng nên đội ngũ bác sỹ Bệnh viện đã rất cân nhắc và quyết định mổ theo phương pháp truyền thống mở ngực theo đường giữa xương ức để đảm bảo an toàn tối đa cho bé.    

Sau 09 năm triển khai mổ tim theo Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã thực hiện thành công kỹ thuật mổ tim hở (thông liên thất, thông liên nhĩ), kỹ thuật mổ tim kín (còn ống động mạch) cho hơn 300 bệnh nhi; đặc biệt có 50 trẻ được mổ tim ít xâm lấn qua đường nách. Một số bé từ 03 - 04 tháng tuổi nặng chưa tới 05kg  đã được “chữa lành” trái tim khiếm khuyết. Cho tới thời điểm hiện tại, bé Bình An 89 ngày tuổi với cân nặng 3,8kg là bệnh nhi nhẹ cân nhất được đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện phẫu thuật tim thành công. Đây cũng là bước ngoặt khẳng định sự phát triển về mặt chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ phẫu thuật tim mạch và gây mê hồi sức của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.    

Qua đây, Phó Giám đốc Nguyễn Minh Cường cũng đưa ra khuyến cáo rằng: Với những trẻ đã được phẫu thuật tim bẩm sinh cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt sau phẫu thuật, bởi vậy các bậc phụ huynh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Thường xuyên cho trẻ đi tái khám định kỳ 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng hoặc 01 năm/lần cho tới khi sức khoẻ trẻ hoàn toàn ổn định. Với các bà mẹ mang thai nên đi sàng lọc trước sinh ngay khi bé còn trong bụng mẹ tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phát hiện tim bẩm sinh như Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang hay Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ Sản Trung ương để phát hiện sớm bệnh lý và định hướng sẵn sàng xử trí trong khi sinh hoặc điều trị sau khi trẻ sinh ra. Bên cạnh đó, ngoài thăm khám lâm sàng bởi các bác sỹ sơ sinh thì việc sàng lọc sau khi sinh cho trẻ chào đời đủ tháng hoặc non tháng bằng các xét nghiệm, thăm dò chức năng (siêu âm tim, điện tim, X-quang) cũng rất quan trọng nhằm phát hiện và đưa những trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh vào danh sách theo dõi, khám định kỳ và thực hiện chỉ định mổ ở thời điểm thích hợp, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Hiện nay, với sự phát triển của ngành phẫu thuật tim, trẻ có thể được phẫu thuật ngay từ khi còn rất nhỏ để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhi tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường.   

Hiền Chúc     


    

 

 


    

Lượt xem : 348


  • quixote
  • quixote


Copyright ©2023 Xtech.com.vn